Kỹ thuật elisa gián tiếp trong xét nghiệm ký sinh trùng đường ruột

Những năm gần đây bệnh giun sán ký sinh đường ruột ngày càng phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cũng như sức sản xuất của cộng đồng và trở thành mối quan tâm của xã hội. Vì vậy xét nghiệm ký sinh là phương pháp tốt nhất để biết được cách chữa trị loại bệnh này.

Việc chẩn đoán xét nghiệm ký sinh bệnh đòi hỏi phải thăm khám kỹ về lâm sàng, mối liên quan dịch tễ học, siêu âm gan mật, xét nghiệm huyết thanh miễn dịch (ELISA), chức năng gan và công thức máu (bạch cầu ái toan tăng cao, bạch cầu chung tăng nhẹ),… để chẩn đoán phân biệt với các bệnh nội khoa cũng như các bệnh nhiễm trùng khác, trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về kỹ thuật ELISA gián tiếp – một kỹ thuật được xem là có độ nhạy cao trong chẩn đoán các bệnh ký sinh trùng đường ruột.

Kỹ thuật ELISA (Enzyme Linked Immunosorbent Assay) có rất nhiều dạng mà nguyên tắc chung là dựa trên sự kết hợp đặc hiệu giữa kháng nguyên và kháng thể, trong đó kháng thể được gắn với 1 enzyme. Khi cho thêm cơ chất thích hợp vào phản ứng, enzyme sẽ thủy phân cơ chất thành một chất có màu. Sự xuất hiện màu chứng tỏ đã xảy ra phản ứng đặc hiệu giữa kháng thể với kháng nguyên và thông thường qua cường độ màu mà biết được nồng độ kháng nguyên hay kháng thể cần phát hiện.

Kỹ thuật này khá nhạy và đơn giản cho phép ta xác định được kháng nguyên và kháng thể ở một nồng độ rất thấp (khoảng 0,1 ng/ml). Kỹ thuật ELISA được dùng để xác định nhiều tác nhân gây bệnh như: virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng.

Kỹ thuật ELISA gồm 3 thành phần tham gia phản ứng: kháng nguyên, kháng thể và chất tạo màu, thực hiện qua 2 phản ứng:

– Phản ứng miễn dịch học: Là sự kết hợp giữa kháng nguyên và kháng thể.

– Phản ứng hóa học: Thông qua hoạt tính xúc tác của enzyme là giải phóng oxy nguyên tử [O] từ H2O2 để oxy hóa chất chỉ thị màu, do đó làm thay đổi màu của hỗn hợp trong dung dịch thí nghiệm.

Hiện nay, trong chẩn đoán xét nghiệm ký sinh trùng đường ruột, Viện Sốt Rét-Ký sinh trùng và Côn trùng thành phố Hồ Chí Minh đã và đang sử dụng kỹ thuật ELISA gián tiếp (Indirect ELISA): kháng nguyên cần được phát hiện sẽ được gắn trực tiếp lên bề mặt giá thể, kháng thể trong huyết thanh sẽ gắn với kháng nguyên đó thông qua một kháng kháng thể IgG người có gắn enzym chỉ định màu.

Ưu điểm: Kháng thể gắn enzyme có thể sử dụng để đánh dấu cho nhiều loại kháng nguyên nên tiện lợi và kinh tế. Ưu điểm quan trọng nhất của kỹ thuật ELISA là độ nhạy cao, có thể phát hiện được phức hợp nhỏ kháng nguyên – kháng thể, cho phép phát hiện sớm tác nhân gây bệnh ở giai đoạn sớm khi mầm bệnh mới xâm nhiễm. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải lưu ý một số yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến kết quả ELISA như:

– Các đối chứng âm cho kết quả dương tính thì có thể do sự nhiễm từ chất tạo màu hoặc từ kháng thể được đánh dấu hoặc chính các đối chứng bị nhiễm.

– Màu không xuất hiện đối với các chứng dương hoặc mẫu thì phải kiểm tra lại các hóa chất như: hạn sử dụng, nồng độ, điều kiện bảo quản.

– Màu xuất hiện quá thấp đối với đối chứng dương và cả mẫu kiểm tra thì phải kiểm tra lại kháng thể được gắn enzyme và nồng độ của chất tạo màu.

>>Xem thêm: máy xét nghiệm sử dụng trong y khoa

– Nếu có tạo màu đối với mẫu nhưng không tạo màu với chứng dương thì phải kiểm tra lại nguồn gốc đối chứng, hạn sử dụng và điều kiện bảo quản.

Nhược điểm: độ đặc hiệu của từng kháng huyết thanh là khác nhau nên phải thử nghiệm với nhiều loại kháng huyết thanh khác nhau để kết quả có thể tin tưởng được

(Tài liệu tham khảo: http://vbs.ac.vn/bai-tong-quan/ky-thuat-elisa-n211).

ThS. Đỗ Thị Phượng Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0938238868