Xét nghiệm vi sinh là các loại xét nghiệm tìm căn nguyên gây bệnh nhiễm trùng, bằng chứng của quá trình nhiễm trùng bao gồm cả dịch bệnh. Như vậy đối tượng của các loại xét nghiệm này là các vi sinh vật gây bệnh ở trong các bệnh phẩm được thu thập từ người, môi trường sống, các loại dụng cụ, thức ăn… có khả năng liên quan đến căn nguyên nhiễm trùng.
Phạm vi áp dụng của các xét nghiệm này là trong chẩn đoán, theo dõi, điều trị, dịch tễ học, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, pháp lý. Ngoài ra thực tế cho thấy người ta còn sử dụng các xét nghiệm này để gây và chống chiến tranh sinh học, khủng bố.
Căn cứ vào phương pháp xét nghiệm chúng ta có thể chia ra các loại xét nghiệm vi sinh thành:
Xét nghiệm soi trực tiếp.
Xét nghiệm nuôi cấy.
Xét nghiệm sinh học phân tử.
Mỗi loại xét nghiệm có giá trị khác nhau, chất lượng xét nghiệm tùy thuộc vào nhiều yếu tố và tuyến của Lab. Chuyên đề này chúng tôi giới thiệu những nét khái quát về giá trị ứng dụng của từng loại xét nghiệm cho các bác sỹ lâm sàng, điều dưỡng và kỹ thuật viên, chi tiết từng loại xét nghiệm cụ thể sẽ được trình bày trong các chuyên đề riêng.
Mục lục
I/ XÉT NGHIỆM SOI TRỰC TIẾP ( DIRECT EXAMINATION)
1- Soi tươi :
Các xét nghiệm soi tươi chủ yếu phát hiện các vi sinh vật di động , có giá trị với vi khuẩn giang mai, các xuắn khuẩn, các phẩy khuẩn tả, amibe. Ngoài ra soi tươi rất có giá trị chẩn đoán trong việc tìm trứng, các ấu trùng của ký sinh trùng, sợi và bào tử nấm. Trong các nghiệm pháp này các vi sinh vật đang còn sống.
2- Soi vi sinh vật qua nhuộm:
Việc sử dụng các loại thuốc nhuộm khác nhau cho ta tên gọi các phương pháp nhuộm.
Các xét nghiệm này vi sinh vật đã được cố định (chết), cho phép ta nhận định được hình thể, tính chất bắt màu, cách sắp sếp, một số cấu trúc của vi sinh vật ( chủ yếu là vi khuẩn). Xét nghiệm này được quan sát dưới kính hiển vi quanh học là chủ yếu.
3- Soi vi sinh vật dưới kính hiển vi điện tử.
Các quan sát dưới kính hiển vi điện tử hay dùng để soi các vi sinh vật có kích thước siêu hiển vi như virus. Các siêu cấu trúc của các vi sinh vật khác.
4- Giá trị của soi trực tiếp là
Trong đại đa số các trường hợp xét nghiệm này có tính gợi ý chẩn đoán, không có giá trị chẩn đoán quyết định.
Trong nuôi cấy soi trực tiếp là một công đoạn bắt buộc, từ bệnh phẩm nhằm
tìm các vi sinh vật có tính chất định hướng và các tế bào viêm, từ khuẩn lạc nhằm tìm hình thể tính chất bắt màu, cách sắp sếp… cho những bước xét nghiệm tiếp theo, trong trường hợp này soi trực tiếp được coi là định danh ở mức độ ban đầu.
Giá trị chẩn đoán của soi trực tiếp rất cao và là tiêu chuẩn chẩn đoán vàng trong các trường hợp phát hiện vi khuẩn lao ( AFB, BK), phong ( BH), khi nhuộm kháng cồn kháng toan ( Ziehl – Neelsen), các song cầu khuẩn gram âm trong dịch não tủy là não mô cầu, trong dịch niệu đạo nam giới, dịch dữ mắt ở trẻ sơ sinh, là các vi khuẩn lậu. Ngoài ra trong các trường hợp soi dịch cổ tử cung tìm thấy hình ảnh nấm men cũng rất có giá trị chẩn đoán. Trong các trường hợp này người ta nói các xét nghiệm có độ đặc hiệu cao.
Cũng cần phải lưu ý rằng mọi kết quả tìm căn nguyên của soi trực tiếp ba yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến chất lượng xét nghiệm là : trình độ của kỹ thuật viên, cách lấy bệnh phẩm, bệnh nhân đã được điều trị hay chưa.
>>Xem thêm: Giới thiệu về máy xét nghiệm huyết học dùng trong y khoa
II/ XÉT NGHIỆM NUÔI CẤY (CULTURE, ISOLATION)
Là các xét nghiệm dùng môi trường nuôi cấy nhân tạo nhằm xác định các vi sinh vật có mặt trong bệnh phẩm và kết luận chúng có khả năng gây bệnh hay không. Như vậy các xét nghiệm này dùng để chẩn đoán vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, miễn là các vi sinh vật này phát triển được trên môi trường nuôi cấy nhân tạo.
Nhìn chung đây là các xét nghiệm có độ đặc hiệu cao, là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán nhiều bệnh nhiễm trùng bởi xét nghiệm này là kết quả của hàng loạt thử nghiệm : soi trực tiếp, phân lập, thuần khiết, định danh, định túyp huyết thanh, làm kháng sinh đồ, xác định độc lực, gây bệnh thực nghiệm.
Các yếu tố hàng đầu ảnh hưởng tới chất lượng xét nghiệm nuôi cấy là : trình độ nhân viên của Lab (nhân viên sử dụng được ngoại ngữ, được đào tạo cơ bản và nâng cao), qui trình và sinh phẩm chuẩn, cách thức lấy bệnh phẩm.
Nhược điểm chính của phương pháp nuôi cấy là : đòi hỏi trang bị và đào tạo nhân viên, độ nhạy của phương pháp bị ảnh hưởng rất lớn khi bệnh nhân đã dùng kháng sinh, loại bệnh phẩm có thể thay đổi tùy theo giai đoạn của bệnh, những vi sinh vật không mọc trên môi trường nuôi cấy nhân tạo không thể chẩn đoán bằng phương pháp này. Các vi khuẩn kỵ khí tuyệt đối cần phải có hệ thống nuôi cấy phù hợp.
III/ CÁC XÉT NGHIỆM MIỄN DỊCH ( IMMUNOLOGICAL TESTS)
Là các xét nghiệm gián tiếp nhằm xác định vi sinh vật bao gồm cả bằng chứng của quá trình nhiễm trùng. Đối tượng của các thử nghiệm này là các kháng nguyên đặc hiệu của vi sinh vật hay kháng thể đặc hiệu của cá thể bị bệnh , sinh phẩm chính để thử nghiệm là các kháng thể hay kháng nguyên tương ứng . Cách đánh giá phức hợp kháng nguyên kháng thể (KN-KT) có thể bằng mắt thường, đại đa số các trường hợp sinh phẩm chính được đánh dấu huỳnh quang, màu, men, đồng vị phóng xạ… để đánh giá phức hợp KN-KT cho ta tên gọi tương ứng của thử nghiệm.
Tên gọi của thử nghiệm theo nguyên tắc: Lớp kháng thể hoặc Tên kháng nguyên + Tên phương pháp thử nghiệm + Tên vi sinh vật. Ví dụ : IgM ELISA Rubella là phản ứng miễn dịch gắn men xác định kháng thể lớp IgM chống virus Rubella.
Ưu điểm chính của các thử nghiệm miễn dịch là: ngay cả khi vi sinh vật không còn tồn tại, hoặc rất ít, chịu tác động của kháng sinh không thể phát hiện bằng nuôi cấy thì vẫn chẩn đoán được, bệnh phẩm có thể bảo quản lâu. Thời gian cho kết quả nhanh, có thể tiến hành hàng loạt, độ nhạy của thử nghiệm cao. Thử nghiệm miễn dịch rất hữu hiệu với các vi sinh vật nội bào, các ký sinh trùng gây bệnh ở mô, lạc chỗ.
Nhược điểm chính: các vi sinh vật chưa tìm ra kháng nguyên đặc hiệu, các yếu tố độc lực đặc hiệu ( lao, sốt rét…) miễn dịch chẩn đoán các vi sinh vật này ít giá trị. Độ đặc hiệu tùy thuộc vào lớp kháng thể phát hiện, tùy từng giai đoạn của bệnh, ngoại ra còn hiện tượng phản ứng chéo ( khắc phục tốt bằng việc dùng kháng thể đơn dòng).
Giá trị chẩn đoán thử nghiệm miễm dịch đặc biệt cao khi phát hiện lớp kháng thể IgM bởi lẽ lớp kháng thể này xuất hiện sớm ngay khi nhiễm và mất đi rất nhanh muộn nhất là 1 tháng, do đó độ nhạy phụ thuộc vào thời gian thử nghiệm sớm hay muộn.
Với lớp kháng thể IgG chúng ta chỉ có thể chẩn đoán bằng hiệu giá huyết thanh kép: Mẫu huyết thanh 1 và 2 cách nhau 1- 3 tuần ( tùy bệnh) được thử nghiệm hiệu giá cùng thời điểm chỉ có giá trị chẩn đoán khi hiệu giá kháng thể lần sau cao hơn. Việc định tính IgG không xác định được bệnh nhân đang bị bệnh, nhiễm bệnh, khỏi bệnh, hay đã dược dùng vaccine. Một số ít trường hợp định lượng IgG đơn lẻ so sánh với cut-off của quần thể thì có giá trị chẩn đoán.
IV/ CÁC XÉT NGHIỆM SINH HỌC PHÂN TỬ ( MOLECCULAR BIOLOGY)
Là các xét nghiệm phát hiện các genes đặc hiệu hay genomes của các vi sinh vật bằng nhiều phương pháp: PCR, Real Times PCR, lai ghép, giải trình tự…….
Ưu điểm chính của loại xét nghiệm này là độ nhạy, độ đặc hiệu cao, phát hiện nhanh các căn nguyên và tính trạng của vi sinh vật, có thể phát hiện mức độ nhiễm so sánh với giá trị chuẩn để chẩn đoán giai đoạn của bệnh, thậm chí có thể ứng dụng để phát hiện nơi xuất phát của dịch bệnh ( dịch tễ học phân tử). Bệnh phẩm để làm các xét nghiệm sinh học phân tử cũng bảo quản được lâu.
Nhược điểm chính: giá thành xét nghiệm đắt, trang bị và trình độ nhân viên phải qua đào tạo mới, lâu. Các tính trạng chưa tìm được genes đặc hiệu chưa thể phát hiện bằng phương pháp này, hay các genes đặc hiệu không ổn định cũng gây khó khăn cho thử nghiệm(Rotavirus). Một đặc điểm lưu ý là phải loại trừ hiện tượng nhiễm chéo các acide nucleic. Free DNA, RNA hoàn toàn khác các biện pháp thanh khử trùng truyền thống.
Thạc sỹ vi sinh y học Đỗ ngọc Hoài